Lịch sử nghiên cứu Xuân hóa

Trong lịch sử nông nghiệp, những người nông dân đã quan sát thấy sự khác biệt truyền thống giữa "ngũ cốc mùa đông", loại hạt cần được làm lạnh (để kích hoạt sự phát triển và nảy nở sau đó) và "ngũ cốc mùa xuân", loại hạt có thể được gieo vào mùa xuân, nảy mầm và ra hoa ngay sau đó mà không cần trải qua nhiệt độ thấp. Các nhà khoa học vào đầu thế kỷ 19 đã thảo luận về việc một số loài thực vật cần nhiệt độ lạnh để ra hoa. Năm 1857, một nhà nông học người Mỹ John H. Klippart, Thư ký Hội đồng Nông nghiệp Ohio, đã báo cáo tầm quan trọng và ảnh hưởng của nhiệt độ mùa đông đối với sự nảy mầm của lúa mì. Một trong những công trình quan trọng nhất là của nhà sinh lý học thực vật người Đức Gustav Gassner, người đã thảo luận chi tiết hiện tượng xuân hóa trong bài báo năm 1918 của ông. Gassner là người đầu tiên phân biệt một cách có hệ thống các yêu cầu cụ thể của cây mùa đông với các yêu cầu cụ thể của cây mùa hè, và kết luận hạt nảy mầm sớm của ngũ cốc mùa đông nhạy cảm với nhiệt độ lạnh.[6]

Năm 1928, nhà nông học Liên Xô Trofim Denisovich Lysenko xuất bản công trình của mình về tác động của nhiệt độ lạnh đối với hạt ngũ cốc và đặt ra thuật ngữ "яровизация" (tiếng Anhː "jarovization" nghĩa là "làm lạnh") để mô tả một quy trình làm lạnh mà ông sử dụng để làm cho hạt ngũ cốc mùa đông hoạt động giống như ngũ cốc mùa xuân[7] (jarovoe trong tiếng Nga, gốc từ jar có nghĩa là lửa hoặc vị thần của mùa xuân). Chính Lysenko đã dịch thuật ngữ này thành "vernalization" (từ vernum trong tiếng Latinh có nghĩa là mùa xuân). Sau Lysenko, thuật ngữ này được sử dụng để giải thích khả năng ra hoa ở một số loài thực vật sau một thời gian lạnh giá do những thay đổi sinh lý và các yếu tố bên ngoài. Định nghĩa xuân hóa chính thức được đưa ra vào năm 1960 bởi một nhà thực vật học người Pháp P. Chouard, xuân hóa là "sự thu nhận hoặc tăng tốc khả năng ra hoa bằng cách xử lý lạnh".[8]

Bài báo năm 1928 của Lysenko về sự phát triển của sinh lý học thực vật đã thu hút sự chú ý rộng rãi do những tác động thiết thực của nó đối với nông nghiệp Nga. Giá rét khắc nghiệt và thiếu tuyết mùa đông đã phá hủy nhiều cây lúa mì đầu mùa đông. Bằng cách xử lý hạt lúa mì bằng độ ẩm cũng như nhiệt độ thấp, Lysenko đã khiến chúng nảy mầm khi được trồng vào mùa xuân.[9] Tuy nhiên, sau đó, theo Richard Amasino, Lysenko đã khẳng định một cách không chính xác rằng trạng thái xuân hóa nhân tạo này có thể được di truyền, tức là thế hệ tiếp theo của một cây xuân hóa nhân tạo sẽ phát triển như thể bản thân chúng cũng đã xuân hóa rồi và sẽ không cần đến sự xuân hóa để nhanh ra hoa nữa.[10] Xiuju Li và Yongsheng Liu đã phản đối quan điểm này của Amasino, các ông đồng tình với Lysenko với bằng chứng thực nghiệm chi tiết từ Liên Xô, Hungary, BulgariaTrung Quốc về sự chuyển đổi giữa lúa mì vụ xuân và lúa mì vụ đông, cho rằng "không phải là không hợp lý khi đưa ra các cơ chế biểu sinh có thể là kết quả chính đáng là khả năng chuyển lúa mì vụ xuân sang vụ đông hoặc ngược lại."[11]

Nghiên cứu ban đầu về xuân hóa tập trung vào sinh lý thực vật và những khám phá ngày càng tăng của sinh học phân tử đã làm sáng tỏ các cơ chế cơ bản của quá trình này.[10] Ví dụ, thời gian ánh sáng ban ngày kéo dài (ngày dài hơn), đồng thời kèm theo nhiệt độ lạnh là cần thiết để cây lúa mì mùa đông chuyển từ trạng thái sinh dưỡng sang trạng thái sinh sản; ba gen tương tác được gọi là VRN1, VRN2 và FT (VRN3).[12]